Vì Yêu Thương Không Phân Biệt Một Ai

Vì Yêu Thương Không Phân Biệt Một Ai

6 10 69
Vì Yêu Thương Không Phân Biệt Một Ai 10 6 69

"Vì yêu thương vỗn dĩ không phân biệt một ai cả, người có lòng đương nhiên sẽ tìm được hạnh phúc. Cả quá trình ấy, có người chờ được, có người buông tay; có người ngộ ra sớm, cũng có kẻ cả đời nhầm lẫn mà loay hoay mãi trong bể dâu tình trường. Cả con cá dưới nước còn thề nguyền yêu đương, cớ gì chúng ta là con người mà không dám bất chấp tất cả?"


“Vì yêu thương không phân biệt một ai.

Vì yêu thương không lựa chọn một ai.

Vì yêu thương không phân biệt tuổi tác, sang hèn, cao thấp,..

Nên, chúng ta cứ hãy bất chấp hết mà yêu nhau đi!”

oOo

“Véo!”

Chiếc xe máy phóng vèo trong con hẻm nhỏ, bất chấp tiếng la oai oái của các cô bán hàng rong đang lục đục kéo hàng ra đường buổi sớm.

“Cha mày, thằng quỷ sứ! Định chạy cho kịp giờ liệm hả mày?” – Nhỏ Vy chống nạnh, hất cái nón trên đầu ra sau lưng, lớn tiếng mắng xối xả vào chiếc Dream mới chạy qua đây thôi mà bây giờ chỉ còn lại làn khói!

“Quỷ gì đâu không hà, mới sáng sớm đã bị ám quẻ rồi, không biết cả ngày nay có mần ăn được gì hông biết!” – Nhỏ làu bàu trong miệng, đoạn cúi người xuống xốc lại gánh hàng hột vịt lộn còn nóng hổi bên trong.

“Thôi đi cô hai ơi, chuyện này xảy ra như cơm bữa, chẳng ai dám lớn tiếng mắng mỏ bọn nó. Bọn tui già rồi, nói cho mà bọn nó phá hàng thì khổ cả đám! Chuyện này tốt nhất sau này cô bớt quản lại đi!” – Chị Tư bán vé số vừa đếm tiền, vừa quay sang nhắc nhở nhỏ.

“Nói gì thì nói chứ còn có luật pháp mà chị, làm gì bọn nó dám càn rỡ như thế chứ?” – Nhỏ Vy không tin, kéo khẩu trang lên che kín gần nửa khuôn mặt, khom lưng gánh gánh hàng lên vai.

“Xùy, luật với chả pháp! Ở cái hẻm này mà nói, bọn nó chính là “Luật”. Chưa nghe qua câu, “Phép vua còn thua lệ làng” bao giờ à?” – Chú Tài xe ôm vừa nhồm nhoàm nhai ổ bánh mỳ trong tay, vừa đưa mắt liếc nhỏ, bụng thầm bảo dạ, “Đúng là lính mới, chả biết trời cao đất dày là cái quái gì!”

“Ồ, ghê thế cơ ạ?” – nghe ra mùi nguy hiểm trong giọng chú Tài xe ôm, nhỏ cũng không dám trả treo gì nữa.

Chú Tài xe ôm không thèm trả lời, chỉ hừ lạnh một tiếng đầy cảnh cáo.

“Cháu đi trước đây ạ, hơ hơ, nắng quá đi mất!” – nhỏ Vy thức thời nuốt mấy chữ sau cùng lại.

Tự nhiên bỗng ngộ ra một chân lý: Tốt nhất là ngậm miệng chặt lại, an toàn là trên hết cái đã!

***

“Ê, thằng nhỏ! Tránh sang một bên đứng đi, chỗ này chị mày đang bán!”

Giọng nói lanh lảnh mang theo ba mùi dấm chua, bảy mùi thuốc súng vang lên. Nghĩa sẹo cau mày, đẩy mũ lưỡi trai nhìn lên.

Á à, hóa ra là nhỏ bán hột vịt lộn kiêm luôn đậu phộng rang trong hẻm! Nhỏ này hình như người mới, trôi dạt về đây tầm tháng nay đổ lại chớ mấy. Vậy mà dám hống hách lớn giọng đuổi người kia đấy? Gã vừa bực bội, lại vừa có chút hiếu kỳ.

“Này, lớn hơn người ta bao nhiêu mà bày đặt gọi thằng nhỏ này, thằng nhỏ kia vậy hả?” – Trông nhỏ này thì chắc mẫm tầm mười tám, mười chín là hết cỡ rồi. Ngon, đâu đến lượt mà lên giọng “chị hai” với anh?

“Xê ra, xê ra!” – Vừa nói, hai tay nhỏ vừa dang ra, đẩy đẩy chiếc Dream đang nghẹo đầu sang một bên của gã – “Nhìn mặt là biết chú em non choẹt rồi, không kêu thằng nhỏ chả nhẽ lại gọi là anh? Mơ đi cưng!”

“Mèn đét ơi, cái mỗm chu chu lên kìa! Trông cứ như sắp cắn người đến nơi ấy nhở?” – Nhìn cái môi dưới đang cong cong lên của nhỏ, cộng thêm sắc hồng của cái nắng gắt buổi trưa hắt lên một bên sườn mặt. Gã bỗng thấy con nhỏ đanh đá này cũng có nét dễ thương!

“Vô duyên! Ừ, mà nếu mày còn không tránh thì chị đây cũng không ngại cắn người đâu, nhá!” – Vừa nói, nhỏ vừa xắn tay áo như mấy con gà chọi sắp sửa lao vào chiến đấu ấy.

“Này, nhắc lại nhé, cấm có gọi anh đây là nhóc, cũng cấm được lên cái giọng kẻ cả thế kia, nhé! Con bé này bao tuổi mà hống hách dữ vậy chị Bông?” – Gã liếc nhỏ một cái thiệt dài, rồi quay sang chị Bông đang bán hàng trái cây bên cạnh hỏi.

“Ha ha, con bé này nhìn thế chứ cũng lớn tuổi rồi, chú mày hỏi nó luôn đi chứ hỏi chị mần gì?” – Chị Bông đá mắt, mỉm cười sung sướng, một tay cầm nón quạt lấy quạt để.

“Này bé yêu, năm nay bao tuổi rồi? Nói đi rồi anh nhường chỗ cho mà bán chiều!” – Gã ngả ngớn vươn tay, định tóm lấy cái khẩu trang con nhỏ vừa kéo lên che kín mít nửa khuôn mặt nhỏ nhắn kia.

“Này nhóc, chị có võ đấy nhé, kara đệ tam đẳng nhá, không đùa đâu! Đừng có mà giở trò thả dê non dê già ở đây!” – Con nhỏ trợn mắt, chống nạnh sừng cồ lên. Hẳn là đã bị hành động vừa nãy của gã chọc giận rồi.

“Gớm, giọng chua thấy ớn luôn!” – Gã xùy một tiếng, bĩu môi gạt chân chống xe, nhích ra phía sau một khoảng chừa “mặt tiền” cho nhỏ ngồi. Vài gã xe ôm đứng gần đấy huýt sáo, buông vài câu bông đùa.

“Chu choa, hôm nay mày ga-lăng ghê nha Nghĩa sẹo!”

“Gớm, chiều nay chắc có bão ghé qua rồi, thằng Nghĩa hôm nay anh hùng cứu mỹ nhân, chấp nhận nhường bóng mát mà phơi lưng chịu nắng! Ha ha ha!”

Đậy tờ báo lên mặt, miệng khẽ huýt một bản nhạc quen thuộc. Gã nhắm mắt thả lỏng cơ thể, gác chân lên cần cổ xe, đánh một giấc. Bất giác hình dung ra được cái mỗm đang chu chu ra của nhỏ lúc nãy, tự nhiên phát hiện hôm nay mình dễ tính chi lạ!

oOo

“Ê, Nghĩa sẹo, tối nay nghỉ một bữa đi hẻm số 8 lấy tiền cho đại ca!”- thằng Tám Hùng phì phèo với điếu thuốc trên tay, hất đầu thông báo cho gã.

“Ok, như giờ cũ?” – Nghĩa sẹo phanh xe lại, xoay đầu nhìn bốn gã trai mình xăm mấy chữ hận đời, hận tình, hận luôn cả mình ấy đang đứng tán gái trên vỉa hè.

“Ừ! Giờ cũ! Nhớ đúng hẹn nghen mày, đầu quán bà Năm số đề!” – Tám Hùng ném điếu thuốc trên tay xuống đất, dùng chân dí dí vài cái.

“Ế, người đẹp…” – một gã mặt rỗ huýt sáo mấy tiếng, bước xuống lề đường.

Tám Hùng quét mắt nhìn sang, thản nhiên không nói một lời.

“Mấy thằng này, muốn gì hả?” – nhỏ Vy vùng khỏi tay của gã nọ, nắm chặt gánh hàng trên vai, đứng nép vào lề đường. Vốn dĩ định im lặng bước qua luôn, coi như không nghe không thấy mấy lời chọc ghẹo vô bổ kia. Tiếc là cái gã trên lề đường này lại quá lỳ lợm, không động tay động chân với nhỏ thì chắc ăn không ngon, ngủ không yên ấy!

“Xời ơi, người đẹp mà khó tánh gì đâu à, cho anh nhìn mặt cái coi!” – thêm một gã trai càn rỡ bước đến, buông lời trêu ghẹo, tay không nén được vươn tới, sờ mó gánh vịt lộn.

“Ố ố la la, là trứng vịt lộn nha. Tuyệt cú mèo! Hô hố!”

Nhỏ Vy bặm môi im lặng, mắt trợn trừng lên như muốn ăn tươi nuốt sống đối phương.

“Bốp!”

“Mẹ kiếp! Tụi mày điên rồi à? Giữa phố mà dám động tay động chân với con gái người ta! Muốn lên phường uống trà xơi nước hả?”

Tám Hùng quát ba thằng đàn em, mắt lăm lăm nhìn về phía Nghĩa sẹo nãy giờ vẫn còn chưa nổ xe rời đi.

“Anh, bọn em chỉ muốn đùa chút thôi mà, sao hôm nay anh lại…”

“Mày ngu vừa thôi!” – Tám Hùng giơ nắm đấm lên, dí dí vào mặt gã vừa nói xong, hất đầu ra hiệu phía sau.

Gã đàn em hiểu ý, quay đầu ra sau. Quả nhiên, phía sau có hai anh cảnh sát mặc áo xanh đang đi tuần trên đường, chỉ còn cách mấy bước thôi là đến gần tụi nó.

Nghĩa sẹo cũng quay đầu nhìn ra phía sau, không nói một lời, rồ ga phóng đi.

Nhỏ Vy thấy bốn gã trai không còn dây dưa với mình nữa, thức thời không nói nhiều, nắm chặt gánh hàng, vừa đi vừa chạy thoát thân. Lòng thầm cảm tạ cái gã mặt sẹo vừa rồi và cả hai chú công an đẹp trai phía sau, mặc dù nhỏ không có lòng dạ nào mà ngắm nghía và không quên nguyền rủa tổ tông tám đời của bốn gã côn đồ kia.

***

Nhỏ Vy nằm nay hai mươi tuổi, quê ở miền Tây, lên Sài Gòn bán hột vịt lộn thông qua bà dì bên cậu dắt mối. Bà dì họ mấy chục đời bắn tên không tới ấy vốn dĩ định làm mai cho nhỏ một ông chồng Hàn Quốc, ngờ đâu khi giấy tờ còn chưa làm xong xuôi thì gã đàn ông ấy phát bệnh, lăn đùng ra chết ở bển. Bà dì họ sợ quá, sợ nhỏ có tướng sát chồng, bèn thôi. Nhỏ Vy lên thành phố được một tuần thì bà dì họ biến mất, chỉ để lại mảnh giấy bảo tới khu nhà trọ của dân tứ xứ, tìm một dì tên Hồng, xin cho cái nghề trụ lại Sài Gòn, còn không thì tự kiếm tiền mà khăn gói về quê. Từ đó tới nay đã được tháng rưỡi hơn, nhỏ Vy cũng ngộ ra được một điều, có khi ở lại Sài Gòn lất phất làm ăn mà dễ kiếm tiền hơn là ở quê bắt ốc. Hơn nữa, nhỏ còn hai đứa em ở quê còn chưa học xong cấp hai. Thế là quyết định “hy sinh đời chị, củng cố đời em”. Cũng có lúc suy nghĩ, buôn bán này lâu dài rồi có vốn, có khi dành dụm được một khoản kha khá mà gửi về quê phụ giúp gia đình.

Nhìn đám mây mù che khuất đi chút ánh sáng của mảnh trăng giữa tháng, nhỏ Vy vươn tay kéo chiếc chuông gió treo trước cửa sổ, tạo ra âm thanh leng keng quen thuộc đến não nề. Thầm nghĩ, đến bao giờ nhỏ mới được thưởng thức hết vẻ đẹp của ánh trăng ấy, một cách trọn vẹn đây?

Gió loạt xoạt trước hiên, thổi tung đám giấy tờ ngổn ngang trên bàn, đồng thời cũng làm rối tung mái tóc dài của nhỏ. Nhỏ Vy vươn tay ra toan kéo tấm rèm che trước cửa lại. Bỗng “soạt” một tiếng, tiếp sau đó là hai tiếng “rầm, rầm” vang lên. Nhỏ giật nảy người, linh tính cho biết, trong hẻm này lại sắp sửa có cảnh đánh nhau. Vội vã xô ghế đứng dậy khóa cửa lại, nhỏ vừa run vừa tò mò, chốc chốc lại kéo rèm cửa, dòm qua lỗ thông gió.

Khoảng 10 giờ hơn, cả con hẻm nhỏ xôn xao hẳn lên. Tiếng chó sủa đinh tai nhức óc, tiếng chửi thề xối xả, tiếng gậy, dao, mã tấu mài sát dưới lòng đường, tiếng xe mấy rồ ga, tiếng bước chân chạy xầm xập…

Nhỏ Vy nằm trên giường, kéo chăn che kín tai, đầu óc căng như dây đàn. Đêm mùa hè nóng nực, vậy mà bây giờ nhỏ chỉ thấy lạnh run, có trùm chăn kín đầu cũng không sao yên ấm nổi. Trong nỗi sợ hãi thom thóp ấy, mãi cho tới gần hai giờ sáng mới thiêm thiếp ngủ đi.

Nhưng chỉ được một lúc sau, trong đêm vắng, tiếng ho khụ khụ vẳng đến, tiếp theo đó là tiếng rên rỉ lúc gần lúc xa. Nhỏ Vy giật nảy người dậy, cố gắng vểnh tai lên để xác định cho kỹ là mình có nghe nhầm hay không. Chân lò dò mang đôi dép lê vào, nhỏ cầm lấy cây đèn pin để trên đầu giường, mon men bước đến bên cánh cửa, áp tai vào một lần nữa.

“Mở cửa ra ngay đi, nếu không ngày mai cô đừng mong sống nổi với tui!” – trong đêm tối vang lên tiếng gầm gừ đầy đe dọa của đàn ông.

Nhỏ Vy hoàn toàn bị dọa đến mức nhảy dựng lên, tim lộn ngược lên đầu, hai chân thì run lẩy bẩy như người bị trúng gió. Nhưng tuyệt nhiên nín lặng, chỉ ôm ngực thật chặt, một lần nữa ghé mắt nhìn qua cái lỗ nhỏ xíu trên cửa.

Chết cha! Là gã!

“Tui biết cô dậy rồi, mau mở cửa ra đi. Hừ! Mẹ kiếp, bên ngoài lạnh thấy bà nó lun!” – Gã văng lên một tràng tục tiểu, đồng thời đập uỳnh uỳnh vào cửa – “Không mở thì ngày mai cô chết chắc!”

Hình như biết nhỏ Vy cũng thuộc dạng gan lỳ, ngang như ghẹ, gã hầm hè tiếp mấy tiếng nữa mới chịu thôi.

Quả nhiên, nhỏ Vy giật nảy người, âm thầm nuốt nước bọt, không dám làm trái lệnh “ngài giang hồ” một câu.

---

“Phòng gì như cái bãi đổ nát vậy?” – Nghĩa sẹo nhìn ngó xung quanh gian phòng, rồi phán thêm một câu – “…hình như cô chưa bao giờ dọn dẹp nó thì phải?”

Mí mắt nhỏ Vy giật giật, tay cũng không nhịn được mà chà thêm mấy cái.

“Ê, ê… Gì mà chà mạnh vậy hả? Cô là con gì đấy hả?”

“Tui là con gì bộ anh nhìn mà không biết hả?” – nhỏ Vy hai mắt long lên sòng sọc, hận một nỗi không thể bóp cho cánh tay của gã thêm đổ máu ra càng nhiều càng tốt.

“Ồ, ghê chưa? Hôm bữa còn gọi đây là “thằng nhóc”. Sao? Bây giờ biết sợ rồi sao cô em?” – gã nhướng mày, bật cười đầy vẻ thích thú.

Nhỏ hừ lạnh một tiếng. Đêm khuya vắng vẻ, tự dưng cho một gã giang hồ vào phòng, im lặng là tốt nhất, chứ hung hung hổ hổ cũng chả được ích lợi gì. Không cho vào thì mai chắc cô phải khăn gói mà về quê, có khi còn không toàn mạng mà về nữa ấy chứ!

“Cũng đau đấy chứ nhỉ?” – nhìn chằm chằm vào cánh tay bị chém máu me từa lưa của gã, nhỏ bất giác rùng mình.

“Trâu bò sao không biết đau? Nhảm nhí!” – gã hừ lạnh. Đồ ngu ngốc!

Nhỏ Vy bĩu môi, im bặt.

“Ê, không tò mò à?”

“Gì?”

“Công nhận cô cũng gan thiệt, dám mở cửa cho tui vô kia đấy.” – gã đánh trống lảng, đưa mắt nhìn lên trần nhà. Thiệt ra lúc mới vào không có gì để nói, nên gã cố tình mượn cớ nói đông nói tây, chớ căn phòng này cũng sạch sẽ, không đến nỗi nào.

“Mở cũng chết mà không mở cũng chết!” – nhỏ làu bàu trong miệng – “Xong rồi đấy, đi ngủ đi, tui đi ngủ đây!”

Vứt cho gã cái chăn xuống nền nhà, nhỏ nhảy lên giường của mình, nằm thẳng tuột mà ngủ. Mặc kệ vẻ mặt đang ngẩn tò te của gã. Sợ gã sàm sỡ ư? Đương nhiên là không rồi, ít nhất đêm nay gã cũng không thể làm gì được nhỏ với cái tay đang bị quấn băng kín mít và cái chân cà thọt ấy. Mơ đi cưng!

Nhìn dáng người nhỏ nhắn nằm nghiêng trên giường, gương mặt say ngủ chẳng có chút đề phòng của nhỏ. Trái tim gã có chút gì đó xốn xang lạ kỳ, cảm giác ấy có từ khi bắt gặp gương mặt hồng hào sừng cồ lên của nhỏ hôm ấy. Chẳng nhẽ, đó là yêu sao?

Trong đêm thanh vắng, có chút không khí lành lạnh của đêm đầu hè. Gã thao thức trong gian phòng chật chội của một con nhóc bán hột vịt lộn mới quen chưa đến một tháng. Ngồi dưới đất và tựa lưng vào giường của nhỏ, ngắm trộm vẻ mặt ngủ say đẹp tựa thiên thần. Bồng gã có chút tức cảnh sinh tình.

Tình yêu đôi khi giống như tiếng chó sủa đêm vậy, chỉ có những ai thao thức trông chờ mới được chạm tay vào và nghe thấy âm thanh hạnh phúc ấy. Đối với người ta, thì đó có vẻ kỳ lạ, nhưng với gã, thêm một đêm được nghe thấy tiếng chó sủa, là lại thêm một ngày gã nhìn thấy ánh bình minh…

Đêm hôm ấy, là một đêm yên bình nhất trong đời gã…

oOo

“Ê, cho hai cái hột vịt cái coi Hột Vịt!” – giọng đàn ông sang sảng vang lên.

“Đây. Cầm lấy. Khỏi đưa tiền.” – Nhỏ nói ngắn gọn, nhanh nhẹn lấy bao bỏ vào rồi móc lên xe cho gã.

“Ngoan quá, bé yêu!” – nháy mắt một cái, gã phóng xe vù đi.


“Ê, Hột Vịt, cấm có chạy, gặp người chứ có phải ma đâu? Cho thêm ba hột nữa đi, nóng nha cưng!”

“Biết rồi!”


“Ế, sao lại chạy nữa? Khinh thằng này không tiền hả cưng?” – gã nói rồi nhét tờ tiền màu xanh lét vào gánh vịt lộn, đưa tay chộp lấy hai quả trứng còn nóng hổi, phóng xe vù đi.


Từ sau đêm băng bó thuốc không công và bị ép buộc ấy đến nay, Nghĩa sẹo không dưng trở thành “khách hàng” quen thuộc thường xuyên lui tới ăn hột vịt của nhỏ. Đương nhiên là khách sộp. Vì mỗi lần đưa tiền, gã luôn đưa tiền chẵn và chẳng bao giờ chờ nhỏ thối tiền mà đã phóng xe dông đi mất dạng. Lâu dần, thông lệ ấy trở thành thói quen, mà thói quen thì chẳng thể nào bỏ được, lâu dần bỗng trở thành vô thức.

Cả con hẻm số 7 ấy, không ai là không biết nhỏ Vy bán hột vịt lộn được Nghĩa sẹo bảo kê. Lúc đầu có người không tin, còn lớn tiếng chòng ghẹo, dè bĩu, còn có mấy tay du côn ba xu một hào lâu lâu tạt qua đòi tiền bảo kê ăn nhậu. Cho tới khi tần suất Nghĩa sẹo xuất hiện bên gánh hột vịt của nhỏ Vy ngày một dày hơn, có khi còn giống như chính gã bán hột vịt vậy, thì khi ấy, dân tình mới thôi không còn dè bĩu.


“Này, ước mơ của anh là gì vậy?” – nhỏ mơ màng chống hai bên má, ngồi tĩnh lặng bên gánh hàng cuối chiều, nhìn ánh hoàng hôn đang nhuộm đỏ cả một mảng phía tây bờ sông.

“Ước mơ á? Hì, có ước mơ gì đâu!” – gã cười khì, nốc cạn chai nước trong tay rồi ném xuống dòng sông trước mặt. Từng đợt sóng nước lăn tăn nhẹ nhàng, thoáng chốc chỉ còn lại hình ảnh chai nước nhỏ tí xíu trôi dạt giữa dòng sông. Con người cũng vậy, tứ xứ vô phương, biết đâu là nhà mà về?

“Ai mà chả có ước mơ, chẳng qua nó có thiết thực không mà thôi…” – nhỏ đưa mắt nhìn xa xăm, liếc mắt nhìn gã – “Mà anh vừa mới xả rác vô tổ chức đấy, bảo vệ mà thấy là anh tiêu chắc!” – nhỏ nhướng mày đầy đắc ý, y như thấy người ta bị họa mà mình vui lắm không bằng.

“Anh chả có ước mơ gì, có khi có nhiều quá rồi cũng chẳng biết nên bắt đầu từ đâu nữa…” – lời nói của gã bay lãng đãng trong không trung, hòa với làn gió chiều bên sông, nhẹ nhàng mà trôi đi mất.

“Em chỉ muốn hai đứa em ở quê học hành thật tốt, có như thế cuộc đời chúng mới thoát khổ, có như thế, hai đứa nó mới… ừm, không phải như em…” – nhỏ mỉm cười, giọt nước mắt bỗng lăn dài. Nửa năm rồi nhỏ còn chưa về quê thăm nhà.

Gã nhẹ nhàng khoát tay, siết chặt vai nhỏ đầy cảm thông, lòng chùng xuống lắng nghe người bên cạnh đang thổn thức. Thật ra, gã cũng muốn nói cho nhỏ nghe về một ước mơ bình dị mà gã vẫn luôn ấp ủ suốt bao năm qua. Chỉ là, lời đã tới nơi mà cuống họng lại nghẹn đắng. Tương lai, sao mà nghe xa xôi đến thế?

Rất nhiều năm về sau, mỗi khi có dịp di ngang qua bờ sông này, đặc biệt là những chiều ráng đỏ nhuộm cả một vòm sông như thế, trái tim nhỏ lại không khỏi thổn thức nhớ về  buổi chiều ngày hôm ấy.

Bánh xe thời gian lăn đều, lăn đều… Tất cả rồi cũng phai nhạt theo thời gian, tất cả rồi cũng theo dòng đời xô bồ mà thay đổi. Tình cảm bất biến, chỉ có con người là vạn biến trong đời này…

Mối quan hệ không có đầu cũng chẳng có cuối giữa nhỏ và gã vẫn cứ kéo dài mãi cho tới khi nhỏ nhận được tin dữ từ dưới quê. Tía nhỏ mất rồi!

Ngày cuối năm, bến xe đông nghịt người. Gã một tay nắm tay nhỏ, một tay đẩy đám dân tứ phương đương chen chúc ở cửa ra vào lên xe. Nhìn gã hình xăm đầy người, mắt lăm le như muốn ăn thịt người khác, gã lơ xe cũng chẳng dám nói gì hơn, nghiêng người nhường bước.

“Về quê thì về, nhưng nhớ… lên lại nghe chưa? Anh chờ em!” – gã chân thành dặn dò, dúi vào tay nhỏ mớ tiền, rồi quay lưng bước khỏi xe, không cho nhỏ kịp nói lời tạm biệt.

Xe chuyển bánh, bóng gã dần khuất sau tấm màn xe khách và dòng người lố nhố trong bến xe chật ních ấy. Từng giọt nước mắt lăn dài, nhỏ khụt khịt mũi, lòng trăm bề lo toan hướng về quê, bỗng thấy lòng mất mát điều gì đấy. Trong phút chốc, hình ảnh gã trong suốt quãng thời gian qua nhập nhoạng đan xen, từng lời nói bông đùa mà quan tâm, từng hành động thô lỗ mà chân chất, từng cái ôm cứng ngắt mà ngượng ngùng… Nhỏ như ngộ ra điều gì đó, điều gì đó rất đỗi quan trọng trong đời.

Đương nhiên, nhỏ sẽ quay lại! Sài Gòn, chờ ta đi!

Bởi đơn giản, nơi phố xá phồn hoa ấy, nơi hẻm nhỏ dơ bẩn đầy dãy những cạm bẫy ấy luôn có một vòng tay sẵn sang đợi nhỏ quay lại…

Vì yêu thương vỗn dĩ không phân biệt một ai cả, người có lòng đương nhiên sẽ tìm được hạnh phúc. Cả quá trình ấy, có người chờ được, có người buông tay; có người ngộ ra sớm, cũng có kẻ cả đời nhầm lẫn mà loay hoay mãi trong bể dâu tình trường. Cả con cá dưới nước còn thề nguyền yêu đương, cớ gì chúng ta là con người mà không dám bất chấp tất cả?

Tương lai vốn dĩ thuộc về tương lai, cớ gì hiện tại cứ phải ngại ngần mà bỏ mất?

Sưu tầm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top